Nhận xét Hoàng_Thái_Cực

Trong cuộc chiến tranh giữa Mãn Châu và Đại Minh trong thời gian trị vì của Hoàng Thái Cực. Ban đầu, với ưu thế pháo binh của mình, nhà Minh liên tục đẩy lùi người Mãn Châu, trong các năm 1627 và 1629. Tuy nhiên, họ không thể chiếm lại được quyền kiểm soát của mình đối với các vùng đất mà người Mãn Châu chiếm giữ. Từ năm 1629 về sau này, nhà Minh dần đến bờ vực của sự sụp đổ với những vụ tranh giành quyền lực bên trong và những vụ tấn công tiên tiếp ở miền bắc từ phía người Mãn Châu; Hoàng Thái Cực đã chủ động chuyển sang chiến thuật đột kích nhằm tránh đối mặt với quân đội Minh trong những trận chiến lớn với ý đồ tiêu diệt dần sinh lực của nhà Minh.

Không thể tấn công trực tiếp vào đầu não nhà Minh, người Mãn Châu chờ đợi cơ hội của mình, phát triển pháo binh của riêng họ và thành lập các liên minh. Hoàng Thái Cực lại có được các quan chức trong triều nhà Minh làm quân sư cho mình và vào năm 1633 họ hoàn thành việc chinh phục Nội Mông, dẫn tới việc tuyển được một số lượng lớn lính Mông Cổ dưới cờ Mãn Châu, cùng với các cuộc cải cách về quân sự, thực lực của quân Thanh đã phát triển và chiếm được một con đường nữa dẫn tới trung tâm đế chế Minh.

Trong cuộc chiến ác liệt này, tổn thất về nhân mạng là rất lớn, quân và dân của nhà Minh thì thiệt mạng trước các cuộc càn quét của kỵ binh Bát kỳ. Nhưng đổi lại, không ít chiến binh Mãn Châu cũng đã thiệt mạng dưới hỏa lực của quân Minh. Tổn thất về vật chất cũng đáng kể, trong giai đoạn này, nhiều thành trì, đường sá, cầu cống cũng bị thiệt hại do các hoạt động quân sự của hai bên, đặc biệt là thiệt hại nặng nề cho nhà Minh vì chiến sự chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc.

Nói chung, dù Hoàng Thái Cực có chết một cách đột ngột nhưng những hoạt động quân sự của ông vẫn có ý nghĩa lớn lao. Trước hết, qua hàng loạt chiến dịch, quân Thanh đã chiếm được thế chủ động về quân sự tại vùng Đông Bắc đẩy nhà Minh vào thế chống trả bị động, ngày càng lùi sâu vào nội địa. Cũng qua các chiến dịch quân sự này mà quân Mãn Châu đã rút kinh nghiệm trong việc đối phó với hỏa lực của quân Minh, họ đã có ý thức phát triển pháo binh để công thành, đồng thời phát triển nhiều chiến thuật và phương tiện để đánh chiếm các công sự (bằng việc sử dụng nhiều binh lính người Hán có kinh nghiệm). Cũng qua những chiến dịch của Hoàng Thái Cực, nhiều thành trì, công sự của nhà Minh xây dựng đã bị phá hủy ví dụ như Vạn Lý trường thành, Thành Cẩm Châu, Thành Đại Lãng Hà và nhiều thành khác… Tuy nhiên thành trì vững vàng nhất là Viên Sùng Hoán đã bị loại trừ bằng một kế ly gián.

Hậu thế có nhiều lời đánh giá, khen chê về ông nhưng qua cuộc đời và sự nghiệp của ông, chúng ta có thể đánh giá một cách tổng thể.

  • Ở vị trí là một chính trị gia: Với tư cách là một chính trị gia, Hoàng Thái Cực đã thể hiện mình là một người mẫn cán, cơ trí biết đắc nhân tâm, thành thạo các thủ đoạn về quyền biến. Chính vì vậy, trong số các hoàng tử của Nỗ Nhĩ Cáp Xích ứng cử cho chức vụ Đại Hãn, ông đã vượt qua tất cả để lên ngôi tối cao. Sau khi lên ngôi, Hoàng Thái Cực bắt đầu đảm nhiệm trọng trách trị vì Hậu Kim, ông thống soái quân đội báo thù cho cha, kiên quyết bước trên con đường gian khổ, đầy cam go. Chính ông đã kiến lập nên Vương triều Đại Thanh, trở thành vị Hoàng Đế khai quốc đầu tiên của triều Thanh. Khi ở ngôi cao, ông không ngừng dùng các thủ đoạn của mình để loại bỏ các đối thủ cản trở bá nghiệp, trở thành một vị vua nắm thực quyền.
Một yếu tố không thể không nhắc đến khi bàn về nhân vật này, đó là Hoàng Thái Cực là một vị lãnh tụ rất giỏi về thủ thuật nắm bắt tâm lý, giỏi thu phục lòng người. Ông ta luôn biết "đắc nhân tâm" để thực hiện các ý đồ chính trị của mình trong quá trình củng cố ngôi vị, loại bỏ các thế lực chướng ngại. Khi các đối thủ của ông là A Tế Cách, A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đại Thiện có những hành động sơ hở, ông ta đã chớp cơ hội, khai thác triệt để những vấn đề này, đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự để nghiêm trọng hóa nó.Trong quá trình nghị sự, bàn bạc, ông đã thuyết phục được mọi người và biết tập hợp những tâm lý phụ họa theo để tạo "Thể đầu rồng" nhằm tranh thủ sự ủng hộ đông đảo đối với các quyết định của mình, qua đó đạt được mục đích chính. Một trong những minh chứng rõ rệt chính là hành động trưng cầu ý kiến của các quần thần về ngai vị Đại Bối lặc ngồi ngang hàng với Đại hãn, qua đó buộc Đại Thiện phải "tự nguyện" rời ngai vị dù không thực tâm muốn như vậy.Khi thừa kế di sản do Nỗ Nhĩ Cáp Xích để lại, ông đã dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm phát dương dân tộc Mãn Châu dù phía trước rất nhiều khó khăn đến từ trong lẫn ngoài. Điều này cũng có sự khác biệt nhất định so với các anh em của ông vốn chỉ muốn tranh giành để hưởng thụ quyền lực (điển hình là tập đoàn Đại Thiện, A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ Thái).
  • Ở vị trí là một nhà quản lý: Hoàng Thái Cực đã tiếp nối cha củng cố chính quyền Mãn Châu, thành lập nước Đại Thanh. Hoàng Thái Cực xưng đế mở ra triều đại nhà Thanh.
Trên cương vị là một người đứng đầu đất nước, ông đã có những cải cách quan trọng là tiền đề cho sự hưng thịnh của triều Mãn Thanh sau này. Ông đã đổi tên dân tộc, đổi quốc hiệu của nước nhà để phần nào xóa đi sự hận thù của người Hán đối với người Nữ Chân. Ông xóa bỏ chế độ nông nô, xóa bỏ sự phân biệt Mãn – Hán, trọng dụng những nhân tài xuất thân từ người Hán, cải cách Bát kỳ, qua đó có thể thấy ông là một người có tầm nhìn xa, vượt qua được ranh giới của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, luôn lấy đại nghiệp làm trọng.Ông còn thực hiện việc cải cách chế độ quan chức, lấy học vấn làm điều kiện để thăng quan, tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình của Trung Quốc qua đó tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước.Ông còn tăng cường tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật, không vị nể quan hệ trong việc thưởng phạt.Những chính sách cải cách của ông đều xuất phát từ lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc. Việc tập trung quyền lực vào tay nhà vua tuy giúp cho ông có nhiều uy quyền nhưng đây cũng là một yêu cầu khách quan của lịch sử, là một giai đoạn "quá độ" từ bộ lạc, bộ tộc trở thành một xã hội phong kiến của người Mãn Châu.
  • Ở vị trí là một thống soái quân đội: Với tư cách là người chỉ huy quân đội, ông đã tỏ ra mình là một viên tướng tài năng, tinh thông binh pháp, đa mưu túc trí. Dưới thời của cha ông, quân Kim vẫn chưa thể vượt qua được Vạn lý Trường thành để xâm nhập quan nội thì với sự thống lĩnh của ông, quân Hậu Kim và sau này là quân Thanh đã nhiều lần xâm nhập Trung Quốc, phá hủy nhiều thành trì, thậm chí còn uy hiếp cả Bắc Kinh. Ông cũng đã dùng kế ly gián để loại bỏ Viên Sùng Hoán, người được xem là chướng ngại trên con đường chinh phục Trung Hoa của dân tộc Mãn Châu. Ngoài ra, những công lao to lớn phải kể đế đó là việc chinh phục Triều Tiên, Mông Cổ và làm chủ vùng Đông Bắc Trung Quốc, tất cả đã tạo ra thời và thế để cho những người kế tục của ông sau này hoàn thành đại nghiệp.
Và thực sự ông là một kẻ mạnh là một người chịu được mọi sự thử thách và luôn kiên trì cho đến cùng. Trong cuộc chiến với nhà Minh, rất nhiều lần ông đã bị Viên Sùng Hoán đánh bại nhưng ông không đầu hàng mà sau mỗi trận thất bại ông đều chuẩn bị lực lượng cho trận kế tiếp. Cuối cùng ông đã dùng kế loại bỏ Viên Sùng Hoán và tiếp theo đó là một loạt chiến dịch xâm nhập Trung Quốc, thực hiện được một phần nào giấc mộng đế vương của mình. Qua đó có thể thấy tính kiên trì, bền bỉ trong ý chí của ông. Sự kiên nhẫn này đã mang đến cho ông "khả năng duy trì sự bền bỉ để đạt được mục tiêu đã đề ra và theo đuổi ước mơ đến cùng".[55] Với tài trí, sự khôn khéo, lòng quyết tâm, tính kiên trì đã giúp ông hoàn thành nên đại nghiệp dù chưa trọn vẹn, là vị Hoàng Đế khai quốc của triều Thanh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng_Thái_Cực http://www.britannica.com/EBchecked/topic/110832 http://news.sina.com/oth/chinesedaily/301-000-101-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://id.loc.gov/authorities/names/n84018818 http://d-nb.info/gnd/138504326 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00627831 http://sillok.history.go.kr/inspection/insp_king.j... http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063146462 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%...